Ba thông số cơ bản trong nhiếp ảnh
Dịch vụ cho thuê máy ảnh, thuê lens Canon giá rẻ nhất và thủ tục nhanh chóng đáp ứng nhu cầu cần thuê máy ảnh Hà Nội, thuê lens Hà Nội. Tham khảo bảng giá thuê máy ảnh:
Ba thông số cơ bản trong nhiếp ảnh - Tốc độ chụp, Khẩu độ, ISO
1. Tốc độ chụp/ Tốc độ cửa trập là gì?
Định nghĩa màn trập, tốc độ màn trập:
Màn trập (cửa trập): là lớp màn hình bằng kim loại được đặt trước cảm biến, giúp điều tiết lượng ánh sáng đến bộ cảm biến.
Tốc độ màn trập (Shutter speed): là khoảng thời gian màn trập mở ra để ánh sáng chiếu qua thấu kính đi vào cảm biến. Nó mô tả tốc độ nhanh hay chậm của màn trập khi mở ra, là lượng thời gian chính xác (hay còn gọi là thời gian phơi sáng) mà máy ảnh của bạn ghi lại hình ảnh.
Ý nghĩa giá trị chữ số thể hiện tốc độ màn trập
Tốc độ màn trập được đo bằng giây hoặc một phần của giây, thể hiện dưới dạng phân số.
Tốc độ màn trập càng nhanh khi thời gian màn trập mở ra càng ngắn nghĩa là thể hiện dưới dạng phân số có mẫu số càng lớn (và ngược lại).
Ảnh hưởng của tốc độ màn trập đến khả năng phơi sáng:
Tốc độ màn trập chậm: cảm biến máy ảnh sẽ thu được nhiều ánh sáng và ảnh thu được sẽ sáng hơn
Tốc độ màn trập nhanh: cảm biến máy ảnh chỉ tiếp xúc được với một lượng ánh sáng nhỏ, ảnh thu được sẽ tối hơn.
Ảnh hưởng của tốc độ màn trập đến hiệu ứng hình ảnh:
Tốc độ màn trập nhanh thường từ 1/125 s trở xuống (ví dụ: 1/8000 s - 1/125s). Tốc độ màn trập nhanh sẽ tạo hiệu ứng đóng băng chuyển động. Bắt được các chủ thể di chuyển nhanh một cách rõ nét, không bị mờ.
Tốc độ màn trập chậm từ khoảng 1/100s –trở lên (ví dụ 1s - 1/100s). Tốc độ màn trập chậm sẽ tạo hiệu ứng làm mờ chuyển động, tạo cảm giác chuyển động cho bức ảnh.
Ứng dụng khi chụp ảnh:
Khi chụp ảnh trong điều kiện nhiều ánh sáng/ ngày nắng => sử dụng tốc độ màn trập nhanh để bức ảnh không bị phơi sáng quá nhiều.
Ngược lại, khi chụp ảnh trong điều kiện thiếu ánh sáng => sử dụng tốc độ màn trập chậm giúp thu nhiều ánh sáng, bức ảnh chụp sẽ sáng hơn.
Với tốc độ màn trập nhanh, bạn có thể chụp rõ nét một số chuyển động nhanh như chim đang bay, vận động viên đang thi đấu, ….
Tốc độ màn trập từ 1/100 – 1s: thường được sử dụng để chụp ảnh dải ngân hà hoặc các vật thể khác vào ban đêm.
Tốc độ màn trập chậm có thể sử dụng trong chụp phơi sáng đường phố, chuyển động của xe đang chạy, chụp ảnh dòng sông, thác nước…
Lưu ý: Khi tốc độ màn trập chậm, cần có một chân máy để cố định máy ảnh, để tránh tình trạng rung làm nhòe, mờ ảnh.
2. Khẩu độ là gì?
Khẩu độ là độ mở của ống kính giúp điều tiết lượng ánh sáng đi vào đến cảm biến của máy ảnh. Máy ảnh điều chỉnh tăng giảm khẩu độ thông qua việc đóng hoặc mở các lá khẩu.
Ý nghĩa giá trị chữ số thể hiện độ mở ống kính
Giá trị chữ số về chênh lệch khẩu độ được gọi là số f, các tiêu chuẩn về số f như: f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8,…
Khi bạn mở khẩu thì số f sẽ giảm đi, khi khép khẩu thì số f sẽ tăng lên. Nghĩa là, khi số f nhỏ nhất, bạn sẽ có được khẩu độ mở tối đa và ngược lại.
Ví dụ trên cho thấy khẩu độ tối đa sẽ đạt được khi giá trị f là f/1.8 và khẩu độ tối thiểu là f/22.
Ảnh hưởng của khẩu độ đến khả năng phơi sáng:
Khẩu độ của ống kính càng lớn, lượng ánh sáng đi vào đến cảm biến sẽ càng nhiều, giúp ảnh càng sáng hơn.
Ngược lại, khi mở khẩu bé, lượng ánh sáng đi vào đến cảm biến ít, khiến ảnh tối hơn.
Mối quan hệ giữa khẩu độ, hiệu ứng xóa phông, độ sâu trường ảnh?
Độ sâu trường ảnh (Depth of Field) là vùng rõ nét của một bức ảnh.
Vùng ảnh rõ nét càng nhỏ khi số f càng nhỏ (khẩu độ mở lớn), ngược lại thì khi số f lớn (khẩu độ mở nhỏ), vùng ảnh rõ nét càng lớn hơn. Số f lớn dẫn đến ảnh sắc nét đến tận hậu cảnh cho bức ảnh của bạn.
Khi khẩu độ máy ảnh được mở rộng ở mức tối đa thì độ sâu trường ảnh sẽ nông hơn, tách đối tượng chụp ra khỏi hậu cảnh, làm cho đối tượng được rõ nét và hậu cảnh sẽ nhòe đi bạn cũng sở hữu được hiệu ứng xóa phông nổi bật nhất.
Khi khẩu độ càng nhỏ thì độ sâu trường ảnh cũng tăng lên, tất cả các đối tượng ở tiền cảnh và hậu cảnh đều được đảm bảo đúng nét.
Do đó, bạn nên mở khẩu tối đa khi chụp ảnh chân dung, đem lại hiệu ứng xoá phông cho bức ảnh của bạn. Mặt khác, khi chụp ảnh phong cảnh, bạn nên để khẩu độ nhỏ để có thể lấy được nhiều chi tiết của bức ảnh.
3. Độ nhạy sáng ISO
ISO là viết tắt của International Organisation for Standardisation (Tổ Chức Chuẩn Hóa Quốc Tế), một tổ chức quyết định tiêu chuẩn hóa và xếp hạng độ nhạy cho cảm biến máy ảnh. ISO giúp bạn điều chỉnh ánh sáng trong máy ảnh, bạn có thể tăng hoặc giảm độ sáng của ảnh
Ý nghĩa giá trị chữ số thể hiện độ nhạy sáng ISO
Mỗi camera có một phạm vi ISO riêng biệt, tuy nhiên thường sẽ có các giá trị sau:
· ISO 100 (ISO thấp)
· ISO 200
· ISO 400
· ISO 800
· ISO 1600
· ISO 3200
· ISO 6400 (ISO cao)
Ảnh hưởng của ISO đến khả năng phơi sáng
ISO là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới độ sáng, tối của một bức ảnh. Khi tăng ISO ảnh sẽ được sáng lên và ngược lại khi giảm ISO ảnh sẽ bị tối đi
Ảnh hưởng của ISO đến độ nhiễu ảnh
Khi tăng độ nhạy sáng, hiện tượng bị nhiễu ảnh càng thấy rõ nhất là trong các vùng tối hơn. Các bức ảnh sau đó có thể được xử lý thông qua các phần mềm nhưng không mang lại độ mịn màng như mong đợi.
Thông thường, độ nhiễu tại một ISO nhất định phụ thuộc vào kích thước của cảm biến camera và độ phân giải của nó theo megapixel. Các cảm biến lớn trong các máy ảnh không gương lật và máy DSLR sản sinh ra ít độ nhiễu hơn nhiều so với các cảm biến nhỏ trong điện thoại thông minh và máy ảnh compact thông thường.
Kết luận:
ISO càng cao, độ nhạy sáng càng cao, độ nhiễu hạt càng nhiều.
ISO càng thấp, độ nhạy sáng càng thấp, ảnh càng mịn.
Ứng dụng khi chụp ảnh
Dưới đây là một số quy tắc chung khi chọn ISO của bạn dựa trên điều kiện ánh sáng:
Ánh sáng ban ngày: ISO 100-200
Bóng râm / Trong nhà: ISO 200-400
Đèn flash trong nhà: ISO 400 - 800
Trong nhà tối hơn: ISO 800 - 1600
Trong nhà vào ban đêm: ISO 1600 - 3200
Ánh sáng cực thấp: ISO 3200
Mối quan hệ giữa Tốc độ chụp, khẩu độ, ISO – Tam giác phơi sáng
Tam giác phơi sáng là khái niệm dùng để chỉ 3 yếu tố liên quan mật thiết đến việc phơi sáng một bức ảnh, đó là độ nhạy sáng (ISO), tốc độ màn trập (Shutter Speed), khẩu độ (Aperture).
Khi được kết hợp với nhau, chúng sẽ kiểm soát lượng ánh sáng được chụp vào bức ảnh từ các nguồn nhận được. Đồng nghĩa với việc khi điều chỉnh một thông số ánh sáng thì các thông số khác sẽ cần điều chỉnh theo để có được một bức ảnh hoàn hảo nhất. Nếu để ở chế độ tự động thì máy ảnh sẽ tự làm việc này.
Tầm quan trọng của tam giác phơi sáng trong nhiếp ảnh
Ánh sáng là yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng hình ảnh thu được sau ống kính. Việc biết cân bằng ánh sáng cho một bức hình là điều cơ bản nếu như bạn muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Và tam giác ánh sáng chính là một trong những khái niệm mà bạn cần hiểu rõ và biết cách sử dụng thuần thục nó. Khi làm chủ được tam giác ánh sáng, bạn sẽ thể hiện được cảm xúc, ý đồ muốn truyền tải qua bức ảnh một cách rõ ràng nhất.
Cách hoạt động của tam giác phơi sáng
Tam giác phơi sáng hoạt động trên sự điều chỉnh linh hoạt của ISO, tốc độ màn trập và khẩu độ với nhau. Chúng bù trừ lẫn nhau để tạo nên một bức ảnh cân bằng sáng.
Thường thì các máy ảnh kỹ thuật số hiện nay đều được trang bị tính năng cân bằng sáng tự động. Khi đó, các thông số ISO, khẩu độ, tốc độ màn trập sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp để bức ảnh đủ sáng và người chụp có thể bấm chụp ngay sau đó. Tuy nhiên chế độ này không thể hiện được tính sáng tạo và chủ ý của người nhiếp ảnh trên đó. Thay vào đó, bạn có thể điều chỉnh các thông số thủ công để có được những bức ảnh theo ý muốn.
Chẳng hạn, khi bạn muốn chụp một bức ảnh chân dung với một ống kính tele, bạn cần điều chỉnh tốc độ màn trập nhanh hơn cùng khẩu độ mở lớn hơn và nếu chụp trong điều kiện sáng thấp thì cần tăng ISO, như vậy bạn sẽ thu được bức ảnh chân dung xóa phông với chủ thể được làm nổi bật trên nền hậu cảnh.
Hay với thể loại chụp phong cảnh, khi cần một bức ảnh bao quát toàn cảnh với độ sâu trường ảnh rộng, độ nét cao, người chụp cần điều chỉnh khẩu độ về mức thấp, từ f/11 trở lên. Với thông số khẩu độ như vậy ảnh sẽ tối hơn. Để tăng độ sáng cho ảnh trong trường hợp này có 2 cách đó là tăng độ nhạy sáng ISO hoặc giảm tốc độ màn trập để tăng lượng ánh sáng đi vào cảm biến. Tuy nhiên, nếu giảm tốc độ màn trập xuống quá chậm sẽ khiến cho máy bị rung và gây hiện tượng mờ nhòe ảnh. Hoặc nếu tăng ISO lên quá cao sẽ khiến cho bức ảnh bị nhiễu (noise) nhiều hơn, làm giảm chất lượng khung hình. Vì vậy, để khắc phục được vấn đề này và tạo ra kết quả tốt nhất, bạn cần phối hợp hai thông số một cách nhuần nhuyễn. Nếu có thể hãy mang theo chân máy để sử dụng.
Sau đây là một số gợi ý giúp lựa chọn độ nhạy sáng thích hợp:
1. Nếu máy ảnh có chân cố định, hãy chọn tốc độ cửa trập nhỏ hơn, khi đó có thể hạ thấp ISO.
2. Khi không cần phải chụp xa, có thể tăng khẩu độ, để ánh sáng đi vào ống kính nhiều hơn và giảm bớt ISO.
3. Có thể sử dụng đèn flash thay vì tăng độ nhạy sáng.
4. Khi chụp những bức hình có tính trừu tượng, nên tăng ISO để tạo một độ sần cần thiết, nhờ đó có thể khắc họa thần thái, cá tính của ảnh.
5. Đối với những ảnh chụp có kích cỡ vừa phải, không cần phải phóng to, người chụp có thể thoải mái lựa chọn ISO.
6. Chỉ nên điều chỉnh ISO khi chụp thủ công hay bán tự động. Đối với chế độ chụp tự động hay chế độ mặc định, độ nhạy sáng được thiết lập sẵn trong máy là thích hợp nhất và không cần điều chỉnh thêm.
7. Trong trường hợp đã vừa ý với thần thái của ảnh chụp, nhưng nhiều hạt quá mức, người chụp có thể khắc phục bằng phần mềm miễn phí có tên ND Noise hoặc các phần mềm khác – tìm trên Google với từ khóa “Noise Reduction Software.”
8. Để ISO ở mức 3.200 khi chụp pháo hoa.
9. Luôn đặt ISO ở mức thấp nhất có thể. Bắt đầu với ISO 80 cho ánh sáng rực rỡ và tăng dần lên 100 hoặc 200 khi nguồn sáng yếu dần.Tùy vào từng trường hợp, người dùng có thể đẩy ISO lên cao hơn. Tuy nhiên việc này sẽ đi kèm với một hiện tượng không mong muốn, đó là nhiễu hạt. Nên chọn chế độ chụp ưu tiên khẩu độ trong điều kiện ánh sáng phức tạp, sau đó điều chỉnh ISO theo khẩu độ.
Để nhận tư vấn hoặc đặt lịch thuê - mua bán máy ảnh Canon, Nikon, Sony liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:
️Hotline: 0868.994.699 hoặc 0868.662.799
Email: rentalkinghn@gmail.com
Website: https://www.thuemayanh.net/
Fanpage: https://www.facebook.com/thuemayanh.net
Trụ Sở Chính: Số 21 Ngõ 29/4 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
"Rental King - Uy tín tạo niềm tin, tính chuyên nghiệp tạo nên sự khác biệt!"